Ông Nguyễn Thế Anh cho biết: Những năm gần đây tôi nhận thấy nhiều diện tích đất ruộng trũng của xã thường được bà con cấy 1 vụ đông xuân, rồi vụ mùa bỏ không do đồng đất thấp trũng, cấy lúa không hiệu quả mà nuôi trồng thủy sản cũng không ổn định. Trong khi, tôi tìm hiểu trên mạng Internet nhận thấy, tại nhiều vùng đất của tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang..., người nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tận dụng diện tích đất vùng thấp trũng trồng sen Nhật lấy củ, kết hợp thêm nuôi thả cá, cho hiệu quả kinh tế khá cao, trong khi cây trồng này không khó về kỹ thuật mà lại nhanh cho thu hoạch.
Bắt đầu từ đầu năm 2021, ông Thế Anh trồng thử nghiệm 5 sào sen nhật trên diện tích đất lúa của gia đình. Sau khi thấy sen có củ, hứa hẹn cho thu hoạch, ông báo cáo chính quyền địa phương, mượn thêm ruộng của các hộ dân bỏ không xung quanh, mở rộng diện tích trồng lên 15 mẫu.
Đặc biệt, ông Thế Anh đã đầu tư mua 2 máy bơm sục, thuê thêm nhân công lao động địa phương phụ giúp cho việc chăm sóc, thu hoạch củ sen. Rồi vừa học hỏi, vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm, ông Thế Anh đã thu hoạch được những củ sen trắng, to, ngon và tìm kiếm được đầu ra cho sản phẩm, thời điểm hiện nay thường không đủ xuất bán.
Theo ông Nguyễn Thế Anh, kỹ thuật trồng loại sen Nhật lấy củ này không khó, cũng không cần cầu kỳ như nhiều loại cây trồng khác. Nhưng cần chú trọng đến giống sen, để sau thời gian chăm sóc, thu hoạch được những củ sen to, trắng, nạc, ăn giòn, bùi....
Sau khi chọn được giống sen tốt, trong quá trình chăm sóc, chú ý bón phân ở từng giai đoạn tăng trưởng khác nhau để lượng phân bón vừa đủ cho cây sinh trưởng và phát triển, không bị thiếu nhưng cũng không bị dư thừa dưỡng chất, ảnh hưởng đến chất lượng củ sen.
Sau khoảng 5-6 tháng trồng, sen sẽ cho thu hoạch củ. Nếu để thời gian dài hơn một chút, lượng củ sẽ nhiều và chất lượng ngon hơn. Từ tháng 7/2021 đến nay, ông Nguyễn Thế Anh ngày ngày thu hoạch củ sen trên diện tích hàng chục mẫu của gia đình và thuê mượn thêm của người dân. Mỗi ngày, ông thu hoạch được khoảng 400-500kg củ sen, bán cho thương lái với giá trung bình 25 nghìn đồng/kg.
Tính toán sơ bộ, năng suất trung bình từ trồng sen đạt khoảng 10 tấn củ/ha, cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng/ha, trừ các chi phí còn lãi khoảng 1 nửa, cao gấp 5-6 lần so với trồng lúa.
Ngoài ra, ông Thế Anh còn thả thêm các loại cá trắm đen và cá chuối sộp trên diện tích trồng sen. Hiện thời gian thả cá chưa đủ thu hoạch, nhưng hứa hẹn doanh thu từ nuôi cá cũng sẽ đạt một nửa so với trồng sen lấy củ.
Chị Phạm Thị Hường, thôn Xuân Quế, xã Quỳnh Lưu cho biết: Qua tham quan, tìm hiểu cách trồng sen Nhật lấy củ của hộ gia đình ông Nguyễn Thế Anh, nhận thấy, loại cây trồng này không khó, lại cho hiệu quả kinh tế cao. Gia đình tôi cũng có dăm mẫu đất ruộng trũng chỉ cấy được một vụ lúa, dự định sẽ đưa vào trồng sen lấy củ như gia đình ông Thế Anh. Mong muốn của chúng tôi là được hỗ trợ về kỹ thuật, về giống vốn và đầu ra cho sản phẩm, để người nông dân yên tâm chuyển đổi cây trồng trong sản xuất nông nghiệp.
Đồng chí Đinh Ngọc Thu, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lưu (huyện Nho Quan) cho biết: Khắc phục tình trạng ruộng trũng vụ mùa người dân bỏ hoang không cấy lúa, bằng ý chí, nghị lực và tinh thần dám nghĩ, dám làm, ông Nguyễn Thế Anh đã đưa mô hình mới vào canh tác là trồng sen Nhật lấy củ. Mô hình lần đầu tiên được áp dụng vào sản xuất tại địa phương, được đánh giá bước đầu hiệu quả, tạo ra hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương.
Hiện xã Quỳnh Lưu đã chọn mô hình trồng sen lấy củ kết hợp nuôi thả cá là mô hình điểm để theo dõi, đánh giá hiệu quả kinh tế. Nếu mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, phát triển bền vững, về lâu dài, xã sẽ nhân rộng mô hình trên diện tích khoảng 30 ha ruộng trũng, thuộc các thôn Xanh và thôn Xuân Quế, hiện mới chỉ cấy được 1 vụ lúa.
Ngoài ra, xã cũng tạo điều kiện cho các hộ dân được vay vốn ưu đãi để phát triển mô hình, ký hợp đồng với các đơn vị thu mua, tìm kiếm đầu ra để tiêu thụ sản phẩm ổn định...