DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP QUỐC GIA ĐỊA ĐIỂM LỊCH SỬ KHU CĂN CỨ CÁCH MẠNG QUỲNH LƯU NƠI ĐIỂM DẾN DU LỊCH
Khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu là 1 trong 3 trung tâm
của chiến khu Quang Trung (Hòa Bình - Ninh Bình - Thanh Hóa), cũng là 1 trong 7
chiến khu của cả nước trong thời kỳ đấu tranh giành
chính quyền năm 1945. Khu căn cứ là một vùng đất rộng chạy dài theo hai
bên đường 59 (Quốc lộ 12B), tiếp giáp với huyện
Thạch Thành tỉnh Thanh Hóa và các xã của các huyện Gia Viễn, Hoa Lư, Tam Điệp, suốt
từ Phú Lộc đến xã Yên Sơn (Tam Điệp) rải rộng từ Dốc Giang (Phú Long) đến Sinh
Dược (xã Gia Sinh), Lỗi Sơn, Ngọc Động (xã Gia Phong). Trong quá trình phát
triển của phong trào cách mạng, khu căn cứ Quỳnh Lưu từng bước được mở rộng tới
một số nơi như huyện Gia Viễn, Hoa Lư, Tam Điệp. Vì vậy, đã tạo thành một hệ
thống liên hoàn của phong trào cách mạng Ninh Bình. Phạm vi hoạt động của khu
căn cứ từ Nho Quan xuống Ghềnh, từ đường 12B đến
giáp Thanh Hóa, phía Đông Bắc là sông Hoàng Long bao quanh, phía Tây Nam là dãy
Trường Sơn trùng điệp, phía Đông là dãy núi đá Phi Vân thuộc xã Trường Yên. Khu
có phong trào mạnh và liên tục gồm có 6 xã: Quỳnh Lưu, Sơn Lai, Sơn Thành, Phú
Long (Nho Quan), Gia Phong và Gia Sinh (huyện Gia Viễn).

(
Sơ đồ Trung tâm khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu năm 1941-1945)
Tháng 6 năm 1927, đồng chí Nguyễn Văn Hoan sau khi mãn khóa lớp huấn
luyện Quảng Châu (Trung Quốc) về nước được Kỳ bộ Bắc Kỳ cử về Ninh Bình gây cơ
sở cách mạng. Đồng chí đã bắt mối, gây cơ sở vào nhà
nho yêu nước Lương Văn Thăng, ở thôn Lũ Phong, tổng Quỳnh Lưu, nay là
thôn Lũ Phong, xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan. Cuối năm
1927, tại thôn Lũ Phong (Quỳnh Lưu, Nho Quan) chi bộ Hội Việt Nam cách mạng
thanh niên đầu tiên của tỉnh Ninh Bình được thành lập do Lương Văn Thăng làm Bí
thư. Từ khởi điểm phong trào cách mạng ở Quỳnh Lưu, tổ chức Việt Nam cách mạng
thanh niên phát triển nhanh sang các huyện Yên Mô, Gia Viễn, Gia Khánh. Ngày
24/6/1929, chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng thôn Lũ Phong được thành lập
do Lương Văn Thăng làm Bí thư. Năm 1938, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình họp Đại hội đại
biểu lần thứ nhất tại thôn Đồi Dâu (Sơn Lai, Nho Quan), với sự tham dự của đại
biểu cơ sở Đảng ở các huyện Gia Viễn, Nho Quan, Gia Khánh và Yên Mô. Đại hội
bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 3 uỷ viên. Ông Đinh Tất Miễn được bầu làm Bí
thư Tỉnh uỷ Ninh Bình. Năm 1943, quân Nhật kéo vào Ninh Bình, đặt cơ quan đại
diện bên cạnh toà công sứ Pháp. Nhật lập ra “Liên đoàn thóc gạo” và đặt nhiều
mỏ cân ở thị xã Ninh Bình, Phát Diệm, Nho Quan để thu thóc gạo. Riêng thị xã
Ninh Bình có 17 mỏ cân. Các hương lý, lính lệ, cai ký, địa chủ trong tỉnh được
cấp thẻ “Tiếp tế cho nhà binh” để đến các chợ, các làng thu thóc gạo, nông sản
của nông dân. Chiến khu Quỳnh Lưu thành lập
ngày 3/2/1945 và là căn cứ cách mạng của Xứ ủy
Bắc Kỳ. Chiến khu Quỳnh Lưu là một căn cứ cách mạng thời kỳ kháng chiến chống
Pháp và Nhật, nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, nối liền Tây Bắc, Bắc Trung
bộ với Đồng bằng Bắc bộ. Sau khi thành lập, cơ sở cách mạng này có ảnh hưởng
lớn đến phong trào đấu tranh ở Ninh Bình. Đến hết tháng 4/1945, khu giải phóng
mở rộng ra các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Gia Khánh. Ngày 25/8/1945, Uỷ ban nhân
dân cách mạng lâm thời tỉnh Ninh Bình do đồng chí Văn Tiến Dũng làm chủ tịch ra
mắt tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng trong toàn tỉnh.

(Ảnh tư liệu về cuộc kháng chiến kháng Nhật và chống Pháp)
Để bảo vệ căn cứ cách
mạng này, Xứ ủy Bắc Kỳ và Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã tổ chức nhiều đội tự vệ
chiến đấu, tiêu biểu là Trung đội Giải phóng quân. Các lực lượng vũ trang ở đây
đã làm cho đối phương "nhiều phen kinh hoàng", đỉnh cao là hai ngày
15/3/1945 và 2/4/1945, quan lại ở Phủ Nho Quan đưa lính về đàn áp phong trào
chống thu thuế đều bị quần chúng bao vây đánh trả quyết liệt. Hiện nơi đây vẫn
là một địa bàn quan trọng về quân sự với 2 đơn vị bộ đội đóng quân là Lữ đoàn Phòng
không 24 (Quỳnh Lưu) và Lữ đoàn 202 (Phú Lộc).
Cho đến ngày tiền
khởi nghĩa, khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu là trung tâm của chiến khu Quang
Trung, ở đây có trụ sở của Ban lãnh đạo chiến khu, nơi thành lập trung đội cứu
quốc quân, nơi in báo cách mạng,…những địa điểm ghi dấu quá trình thành lập,
hoạt động của khu căn cứ, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng
tháng Tám năm 1945.
1. Đồng Báng, nơi mở lớp huấn luyện liên khu C
Đồng Báng nằm ở thôn
Xát, xã Sơn Lai, là một cánh đồng hàng chục ha, bao bọc xung quanh là các ngọn
núi cao. Tận dụng địa hình hiểm trở và có động... ? ở đây, tháng 1 năm 1943, Xứ ủy đã cử đồng
chí Trần Tử Bình về mở lớp huấn luyện cán bộ C tại Đồng Báng. Đây là lớp huấn
luyện quân sự đầu tiên, mở lớp cho phong trào luyện tập quân sự ở khu căn cứ
cách mạng Quỳnh Lưu.
2. Khu Trũng, nơi thành lập trung đội giải phóng quân
Di tích lịch
sử Quốc gia Khu Trũng
Khu Trũng thuộc thôn
Đồi Dâu, xã Sơn Lai, thời tiền khởi nghĩa nơi đây được coi là “sân vận động”
của cách mạng, nơi thường diễn ra cuộc mít tinh, thi diễn thuyết, huấn luyện
quân sự.
Tháng 6/1931 tại khu
Trũng đã tổ chức một cuộc khất thuế, nhân dân cả tổng Quỳnh Lưu đã tập chung ở
đây dưới sự chỉ đạo của các chiến sỹ cách mạng đòi khất thuế và giảm sưu thuế,
hưởng ứng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Sau cao trào
1930-1931, địch tăng cường khủng bố, phong trào tạm thời lắng xuống. Đầu năm
1940, phong trào cách mạng ở khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu được khôi phục lại.
Tại khu Trũng, đồng chí Vũ Thơ, Phan Lang đã tổ chức một cuộc mít tinh, kêu gọi
quần chúng nhân dân đoàn kết lại, đánh đổ bọn phong kiến đế quốc, giành cơm no,
áo ấm. Trong cuộc mít tinh đã xuất hiện truyền đơn, cờ đỏ, biểu ngữ có khẩu
hiệu “cơm no áo ấm”, “dân cày có ruộng”, “ủng hộ Việt Minh”.
Năm 1943, tại đồi Xốc
Cảnh trong khu Trũng, đồng chí Vũ Thơ lại tổ chức mít tinh, diễn thuyết. Cờ đỏ
búa liềm đã xuất hiện trong cuộc mít tinh. Đồng chí đã kêu gọi nhân dân ủng hộ
Liên Xô, ủng hộ Việt Minh, đoàn kết chống đế quốc và tay sai giành độc lập cho
dân tộc.
Cũng năm 1943, trung
đội tự vệ chiến đấu của Quỳnh Lưu được thành lập, lấy khu Trũng làm nơi tập
luyện. Cán bộ luyện tập là đồng chí Vương Thừa Vũ, Lương Nhân do Xứ ủy cử về. Tại
đây, trung đội được học cách sử dụng súng, lựu đạn, kiếm, dao, mã tấu, rồi lăn,
lêm bò toài, quay phải, quay trái và sử dụng lệnh triệu tập của trung đội tự vệ
bằng mõ, trống.
Ngày 20/6/1945, trung
đội giải phóng quân của chiến khu được thành lập tại khu Trũng. Trung đội gồm
40 chiến sỹ, được trang bị hai súng Trung liên, 7 súng trường, 5 súng kíp, dao
găm, mã tấu.
Căn cứ vào giá trị
của di tích, ngày 18/6/1997, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin đã bàn hành
Quyết định số 1543/VH công nhận Đồng Báng, khu Trũng là Di tích lịch sử, văn
hóa cấp Quốc gia.
3. Thung Lóng, nơi mở lớp “Trường Sơn du kích kháng Nhật
học hiệu”
Thung Lóng thuộc thôn
3, xã Phú Long, nơi mở lớp “Trường Sơn du kích kháng Nhật học hiệu”
Tháng 5/1945 khí thế
cách mạng của nhân dân ở các nơi khá sôi nổi, hội nghị chấn chỉnh chiến khu
Quang Trung vào cuối tháng 5/1945 đã quyết định tổ chức lực lượng vũ trang ở ba
tỉnh, ra sức mua vũ khí, lập phân đội cứu quốc chủ lực của khu và chỉ định các
đồng chí phụ trách quân sự ở ba tỉnh......?. Tổ chức các lớp huấn luyện quân sự cấp tốc cho các
cấp và huấn luyện quân sự phổ thông rộng rãi có các đội tự vệ chiến đấu và quần
chúng cứu quốc, động viên mỗi người trong tổ chức tự mua sắm vũ khí, lập căn cứ
chuẩn bị lực lượng, thuốc men cho bộ đội cứu quốc thoát ly. Tập trung huấn
luyện và chuẩn bị chiến đấu, chuẩn bị mọi mặt đến giải phóng quân Nam tiến, lấy
Quỳnh Lưu làm trung tâm hoạt động của chiến khu.
Sau hội nghị, Tỉnh ủy
Ninh Bình cử một số Đảng viên đi dự lớp “Trường Sơn du kích kháng Nhật học
hiệu” tại thôn Bình Phú (xã Phú Long, huyện Nho Quan vào tháng 6/1945). Đây là
lớp đào tạo cán bộ quân sự cho các tỉnh phía Nam Đồng bằng Bắc bộ.
Bình Phú (nay là thôn
3) là một thôn hẻo lánh thuộc dân tộc Mường ở cuối xã Phú Long, nằm giữa một
vùng đồi núi ở trùng điệp, giáp với tỉnh Thanh Hóa. Nhưng đây cũng rất gần với
trạm liên lạc Hữu Viện, đường dây nối giữa khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu với
Ngọc Trạo (Thanh Hóa). Phía Nam là dãy núi trùng điệp, có các thung núi Đình,
thung Lóng, thung Tây, thung Ốc, thung Thanh, thung Chảy, thung cây Khế, núi đá
bao quanh. Địa điểm huấn luyện chính là thung Lóng, vũ khí được cất dấu ở hang
Hiên.
Mặt khác, các học
viên mở lớp huấn luyện cho các đội tự vệ ở Rịa, Phú Long, Quảng Lạc, Cúc
Phương, Làng Ác (Nho Quan), Lỗi Sơn, Bình Sơn, Tùy Hối (Gia Viễn), Ninh Hòa,
Ninh Giang (Gia Khánh). Từ đây, phong trào tập luyện tập quân sự diễn ra sôi
nổi, chuẩn bị giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám năm 1945.
Căn cứ vào những giá
trị khoa học, lịch sử của di tích, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin đã công
nhận thung Lóng là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 1543/QĐ-VH
ngày 18/6/1997.
4. Dốc Giang
Dốc Giang thuộc thôn
8, xã Phú Long. Trong chiến dịch Tây Nam Ninh Bình, lực lượng vũ trang của xã
đã phối hợp với bộ đội chủ lực của Đại đoàn Đồng Bằng trực tiếp chiến đấu tiêu
diệt hàng trăm tên địch, phá hủy 5 xe tăng, 2 xe bọc thép, bắng rơi 1 máy bay
của thực dân Pháp tại Phủ Đồi, Trại Ngọc, Đẽn Gió, Dốc Giang (từ 24/10/1953 đến
29/10/1953), góp phần đập tan kế hoạch tiến công của Pháp, giữ vững và mở rộng
một vùng tự do rộng lớn của Chiến khu Hòa - Ninh - Thanh, góp sức cùng cả nước
tạo nên thế lực rực rỡ của Chiến dịch Điện Biên oai hùng.
Để ghi nhận giá trị
lịch sử của di tích ngày 12/12/1994, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin ban hành
Quyết định số 3211/QĐ-BT công nhận dốc Giang là Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc
gia.
5. Vườn Hồ, đồi Riềng, đồi Son (Quỳnh Lưu), cầu Rịa (Phú
Lộc) những di tích trong trận đánh Nhật ngày 11/8/1945
Di tích lịch sử Quốc Gia Đồi Son (xã Quỳnh Lưu),
nơi diễn ra trận thắng quân Nhật ngày 11/8/1945
Vườn Hồ nằm trên địa
phận thôn Lũ Phong, Giáp với xã Sơn Lai, cách khu lăng mộ chí Lương Văn Thăng khảng
1,2km, cách thành phố Ninh Bình 20km, theo đường Du lịch Cúc Phương lên Nho
Quan cách thị trấn 12km.
Đồi Riềng nằm trong
khu vực thôn Hội Tiến 2, Quỳnh Lưu. Di tích nằm ngay cạnh Quốc Lộ 12B. Từ di
tích lên thị trấn Nho Quan 14km, đi xuống Ninh Bình theo đường nhà Lê (QL47)
23km, xuống Tam Điệp 16km.
Đồi Son nằm ngay cạnh
cổng chính vào thôn Xuân Quế và đường vào Lữ Đoàn Phòng không 241. Cách thị
trấn Nho Quan khoảng 13km, theo đường nhà Lê (QL47) đi Bái Đính - Tràng An,
cách thành phố Ninh Bình ........
Ngày 11/8/1945 (tức
4/7/Ất Dậu), khoảng một đại đội Nhật đi trên 3 chiếc xe cam nhông kéo về làng
Quỳnh, đàn áp phong trào cách mạng. Chúng vừa đi vừa bắn thăm dò. Lực lượng
quần chúng ở các đồn ven đường lập tức nổ trống, mõ báo động, uy hiếp tinh thần
địch.
Được tin giặc Nhật
kéo về, trung đội giải phóng quân và tự vệ chiến khu bố trí đánh địch. Một tổ
đồng chí phục kích ở vườn Hồ, ở đồi Riềng do trung đội giải phóng quân phụ
trách được chia làm 3 tổ, một tổ ở ngã tư đường đi Đồng Bài, một tổ ở giữa đồi
Riềng, một tổ ở gần cầu Đập Mới. Tự vệ Quỳnh Lưu phục trách cây Đa đôi và đồi Son.
Tự vệ Phú Long, Lỗi Sơn phụ trách cầu Rịa. Vị trí chỉ huy của ta đặt ở thôn
Hội.
Khi đến cây đa Lang Mái,
giặc Nhật để lại xe, đa số bọn địch tiến về làng Quỳnh, chúng đi bằng 3 thuyền
qua sông Bến Đang, sang làng Lũ Phong. Một thuyền đi về phía cuối làng, một
thuyền đi về phía giữa làng, một thuyền đi về phía đầu làng để chặn tự vệ ta ở
trong làng Lũ Phong. Tên sĩ quan Nhật chỉ huy đi trên chiếc thuyền tiến về phía
đầu làng, hò hét dẫn đầu. Khi thuyền vừa cập bến, một chiến sỹ giải phóng quân
nấp ở vườn Hồ, tỳ súng lên cây Sòi Lộng, nổ sung bắn chết. Bọn chúng như rắn
mất đầu, luống cuống bắn trả yếu ớt, vừa vớt được tên chỉ huy lên thuyền thì
một tên khác bị trúng đạn chết ngay. Bọn sống sót rối rít, quay thuyền trở về
bên kia sông, bỏ dở cuộc tiến công. Chúng dùng ô tô làm lá chắn, vừa đi vừa đẩy
về phía Ghềnh, định về thị xã Ninh Bình. Khi chúng đến đồi Riềng, bị quân giải
phóng chặn đánh dữ dội. Địch bắn lên đồi làm một đồng chí giải phóng quân hy
sinh và một bị thương. Bị chết 2 tên, bọn giặc hốt hoảng quay lại tướng Nho
Quan. Khi chúng đến cây đa đôi và đồi Son, lại bị tự vệ chặn đánh. Quân ta đã
phá cầu Rịa, cầu Sòng Xanh, ngả cây ngang đường để chặn địch. Tại cầu Rịa,
chúng lại bị tự vệ Phú Long, Lỗi Sơn, Ngọc Động chặn đánh, phải chạy thục mạng
về phía Nho Quan.
Trận đánh diễn ra ác
liệt suốt từ 7h sáng đến 14h chiều, làm thất bại cuộc hành quân đánh chiếm của
địch vào khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu, giết chết 7 tên, trong đó có 1 sỹ
quan. Đây là lần đầu tiên lực lượng vũ trang non trẻ của ta, với vũ khí thô sơ
đã đánh thắng đội quân nhà nghề của phát xít Nhật, có trang bị vũ khí tối tân.
Chiến thắng đó đã làm cho thanh thế khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu thêm lừng
lẫy.
Trải qua thời gian,
chịu sự tác động của thiên nhiên, khí hậu, con người, những địa điểm này đã có
sự thay đổi về cảnh quan, nhưng vẫn giữ được giá trị, ý nghĩa lịch sử. Các hiện
vật của khu căn cứ được sưu tầm, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình và Nhà
truyền thống khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu. Ngày 11/8/1945 là ngày khu căn cứ
cách mạng Quỳnh Lưu đánh thắng giặc Nhật và ngày 11/8 hằng năm trở thành ngày
kỷ niệm khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu, vào ngày này, các địa phương tổ chức
mít tinh, thăm quan các địa điểm cách mạng gắn liền với khu căn cứ.
Để
ghi nhận giá trị của vườn Hồ, đồi Riềng, đồi Sơn, cầu Rịa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa
và Thông tin đã ban hành Quyết định số 28/QĐ-VH ngày 18/1/1988 công nhận các di
tích trên là Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia./.